Các nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục (trích đăng Báo cáo)

Để đảm bảo đạt được các lợi ích kinh tế, vụ việc tập trung kinh tế cần phải được thực hiện trong một khuôn khổ nhất định. Các biện pháp khắc phục được đưa ra nhằm mục đích khôi phục hay duy trì sự cạnh tranh trên thị trường, mà vẫn đảm bảo đạt được hiệu quả và lợi ích của vụ việc tập trung kinh tế.

Để đạt được mục đích này, cần phải lựa chọn các biện pháp khắc phục thông qua việc so sánh giữa hiệu quả hạn chế tác động phản cạnh tranh của vụ việc với gánh nặng thực hiện các biện pháp đó và chi phí phát sinh. Theo khuyến nghị của ICN, “quy định và quy trình thực hiện biện pháp khắc phục cần đảm bảo tính hiệu quả và khả năng giám sát thực hiện biện pháp hậu quả đó”.

Các cơ quan cạnh tranh khác nhau sẽ có cách đánh giá khác nhau tùy thuộc vào phép thử cạnh tranh mà họ sử dụng và thẩm quyền được trao trong việc quyết định các yếu tố lợi ích liên quan tới tập trung kinh tế. Nếu một vụ việc tập trung kinh tế có khả năng gây hại cho cạnh tranh mà không thể tìm ra một biện pháp khắc phục phù hợp thì, thông thường, vụ việc tập trung kinh tế đó sẽ bị cấm. Trong trường hợp có thể tìm được các biện pháp khắc phục phù hợp, thì các bên tham gia tập trung kinh tế sẽ có nhiều động lực để đề xuất các biện pháp phù hợp. Do đó, trách nhiệm đề xuất biện pháp khắc phục thường do các bên tham gia tập trung kinh tế thực hiện. Để có được cách xử lý hiệu quả và kịp thời, các cơ quan cạnh tranh thường tìm cách thông báo cho các biên liên quan trong thời gian sớm nhất về bản chất và phạm vi của các vấn đề cạnh tranh mà họ cho rằng cần phải giải quyết trước khi thông qua một vụ việc tập trung kinh tế.

1. Tính tương xứng (nguyên tắc tỷ lệ)

Các cơ quan cạnh tranh thường tìm cách áp dụng những biện pháp/hoặc nhóm biện pháp khắc phục ít phiền toái nhất đối với các doanh nghiệp mà vẫn có hiệu quả trong việc loại trừ các tác động phản cạnh tranh của vụ việc tập trung kinh tế.

Một số cơ quan cạnh tranh áp dụng quy tắc tương xứng, theo đó, một vụ việc tập trung kinh tế có thể được thông qua mà không phải thực hiện các biện pháp khắc phục nếu gánh nặng thực thi các biện pháp đó là quá lớn so với tác động phản cạnh tranh của vụ việc. Điều này có thể xảy ra trong trường hợp thị phần kết hợp của các bên tham gia tập trung kinh tế chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên thị trường.

Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng việc áp dụng nguyên tắc này là không hợp lý bởi một khi vụ việc tập trung kinh tế bị cho rằng có thể gây ra tác động phản cạnh tranh trên thị trường liên quan thì cần phải có giải pháp để hạn chế các động phản cạnh tranh đó.

2. Tính hiệu quả

Việc đánh giá tính hiệu quả của một hay một nhóm biện pháp khắc phục đòi hỏi phải xem xét các khía cạnh sau:

  • Tác động toàn diện: biện pháp khắc phục nên giải quyết được tất cả các tổn hại cạnh tranh do vụ việc tập trung kinh tế gây ra.
  • Rủi ro có thể chấp nhận được: kinh nghiệm cho thấy, khi đưa ra một biện pháp khắc phục, cơ quan cạnh tranh không thể chắc chắn biện pháp đó sẽ mang lại kết quả như dự kiến. Do đó, các cơ quan cạnh tranh thường chọn các biện pháp đảm bảo vừa có hiệu quả, vừa có mức độ rủi ro thấp nhất trong trường hợp biện pháp đó không thực sự mang lại kết quả hạn chế tác động phản cạnh tranh của vụ việc tập trung kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng khi cơ quan cạnh tranh bị hạn chế không được phép thay đổi biện pháp khắc phục cho dù biện pháp đó không hiệu quả như mong đợi
  • Tính thực tiễn: Một biện pháp khắc phục hiệu quả là biện pháp phù hợp với khả năng thực hiện của doanh nghiệp, có thể giám sát được và có khả năng thực thi trong phạm vi thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh. Điều này cũng hàm ý rằng việc áp dụng và các bước thực hiện biện pháp khắc phục phải được cơ quan cạnh tranh thể hiện rõ ràng.
  • Thời điểm và thời gian áp dụng phù hợp: Các biện pháp khắc phục cần xử lý được toàn bộ các tác động phản cạnh tranh trong một khoảng thời gian dự kiến nhất định. Các biện pháp có tác động ngay trong ngắn hạn thường được ưu tiên sử dụng hơn các biện pháp dự kiến sẽ chỉ có tác động trong dài hạn hoặc những biện pháp không có khung thời gian thực hiện cụ thể.
2.1. Các chi phí và gánh nặng tiềm ẩn của các biện pháp khắc phục

Trong quá trình đánh giá các biện pháp khắc phục cũng cần tính đến các gánh nặng hoặc chi phí tiềm ẩn khi thực hiện các biện pháp đó. Một số dạng chi phí phát sinh cần cân nhắc, bao gồm:

  • Chi phí do tác động của biện pháp khắc phục: Một số biện pháp khắc phục có thể dẫn đến sự bóp méo hay thiếu hiệu quả trong đầu ra của thị trường. Đây có thể là trường hợp mà các biện pháp khắc phục về hành vi được sử dụng để can thiệp trực tiếp vào đầu ra của sản phẩm, đặc biệt là trong dài hạn. Ví dụ, việc không cho phép doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá có thể ngăn cản sự gia nhập thị trường do mối lo ngại vể khả năng thu hồi vốn hoặc đảm bảo khả năng sinh lợi. Tương tự như vậy, những hạn chế không liên quan đến giá cũng có thể có tác động tiêu cực đến quyết định đầu tư.
  • Chi phí thực hiện biện pháp khắc phục: ngoài chi phí trực tiếp của việc thực hiện các biện pháp khắc phục, cần tính đến chi phí để giám sát việc thực hiện biện pháp khắc phục (thuê giám sát, thu thập thông tin phục vụ mục đích giám sát…).
  • Dự tính hiệu quả kinh tế và các lợi ích khác của vụ việc tập trung kinh tế: Một trong những ưu điểm của biện pháp khắc phục là nhằm đảm bảo đạt được hiệu quả kinh tế hoặc các lợi ích nhất định từ vụ việc tập trung kinh tế mà không thể đạt được nếu vụ việc đó bị cấm thực hiện. Thể hiện rõ nhất của những lợi ích đó bao gồm hạ giá thành đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, hoặc đẩy mạnh cải tiến. Quan điểm về hiệu quả kinh tế hoặc các lợi ích khác của các cơ quan cạnh tranh có thể khác nhau nhưng đều có một điểm chung là hiệu quả kinh tế và các lợi ích đó phải xuất phát trực tiếp từ vụ việc tập trung kinh tế đang được xem xét và nếu không cho phép thực hiện vụ việc tập trung kinh tế thì không thể đạt được những kết quả này. Đồng thời, các lợi ích thu được từ vụ tập trung kinh tế chỉ được coi là có liên quan khi chúng có khả năng mang lại lợi ích đáng kể cho khách hàng. Thông thường, việc chứng minh các lợi ích này thường do các bên tham gia tập trung kinh tế đảm trách. Nhiệm vụ của cơ quan cạnh tranh chỉ là điều chỉnh các lựa chọn do các bên tham gia tập trung kinh tế đề xuất hoặc đề ra các biện pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực tới hiệu quả kinh tế hoặc lợi ích do vụ việc đem lại. Tuy nhiên, cơ quan cạnh tranh cũng cần đảm bảo rằng biện pháp do doanh nghiệp đề xuất là có hiệu quả trong việc xử lý các tác động phản cạnh tranh của vụ việc.
2.2. Tính minh bạch và nhất quán

Trong việc lựa chọn, xây dựng và thi hành các biện pháp khắc phục, tính minh bạch và nhất quán là những quy tắc cơ bản nhằm đảm bảo tính công bằng cũng như tính hợp pháp. Bên cạnh đó, các quy tắc này cũng rất quan trọng trong việc tối ưu hóa tính hiệu quả của các biện pháp khắc phục.

Theo khuyến nghị liên quan tới các biện pháp khắc phục hậu quả của ICN, “cơ chế rà soát tập trung kinh tế cần đưa ra một khuôn khổ minh bạch cho việc đề xuất, thảo luận và thông qua của các biện pháp khắc phục”. Tính minh bạch ở đây có nghĩa là những quy tắc và vấn đề quan trọng của biện pháp khắc phục cho từng vụ việc cụ thể phải dễ hiểu đối với các doanh nghiệp sáp nhập, thậm chí đối với các đối thủ cạnh tranh và khách hàng của họ. Tính minh bạch không đồng nghĩa với việc tiết lộ các thông tin mật.

Tính nhất quán trong thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đóng vai trò quan trọng trong việc tạo một cơ sở tin cậy cho việc cân nhắc và ra quyết định của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do bản chất của từng vụ việc là khác nhau nên rất khó có thể đảm bảo tính nhất quán.

Đối với những vụ việc có tính chất đa quốc gia, vai trò của tính nhất quán càng trở nên quan trọng. Các cơ quan cạnh tranh cần phối hợp nhằm tránh sự bất đồng và khác biệt trong các biện pháp khắc phục hậu quả mà các doanh nghiệp liên quan phải thực hiện.

 

Thông tin khác