Biện pháp khắc phục về mặt hành vi (trích đăng Báo cáo)

Các biện pháp khắc phục về mặt hành vi thường là các biện pháp được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định để điều chỉnh hay kiểm soát hành vi của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế. Một số biện pháp khắc phục, ví dụ giải pháp liên quan đến chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ, thường khó phân định xem thuộc nhóm nào. Để đảm bảo tính hiệu quả, một gói giải pháp thường phải bao gồm cả hai yếu tố cấu trúc và hành vi.

Các biện pháp khắc phục về mặt hành vi rất đa dạng, đồng thời, cũng đòi hỏi công tác giám sát và thực hiện rất phức tạp. Ngoài ra, các biện pháp khắc phục theo hành vi còn có thêm các hạn chế khác như chi phí lớn, hiệu quả không như mong muốn và đặc biệt là nguy cơ bóp méo thị trường. Mặc dù vậy, biện pháp về hành vi vẫn được lựa chọn trong một số trường hợp như không có giải pháp khả thi về mặt cấu trúc hoặc trong các vụ việc xuyên biên giới. Các giải pháp về hành vi có thể được phân loại như sau:

  • Giải pháp gia tăng cạnh tranh theo chiều ngang bao gồm 3 loại biện pháp khắc phục như sau:
    • Các biện pháp ngăn chặn doanh nghiệp lạm dụng sức mạnh thị trường theo chiều ngang để loại bỏ đối thủ và hạn chế cạnh tranh, bao gồm: cấm bán kèm (tying & bundling), bán phá giá và sử dụng hợp đồng độc quyền hoặc có thời hạn dài.
    • Biện pháp ngăn ngừa doanh nghiệp sử dụng mối quan hệ theo chiều dọc để bóp méo hoặc hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang. Điều này có thể thấy rõ qua trường hợp khi doanh nghiệp sau tập trung kinh tế có thể kiểm soát các yếu tố đầu vào hoặc cơ sở hạ tầng thiết yếu mà các doanh nghiệp khác cũng cần có để cạnh tranh. Các biện pháp bao gồm: cho phép các doanh nghiệp khác tiếp cận các yếu tố đầu vào thiết yếu và quản lý giá, điều khoản và điều kiện tiếp cận.
    • Các biện pháp nhằm thay đổi hành vi của người mua để khuyến khích cạnh tranh. Những biện pháp này có thể bao gồm việc cung cấp thông tin cho người mua và tạo điều kiện dễ dàng cho người mua có thể chuyển đổi nhà cung cấp, ví dụ như, yêu cầu quá trình đấu thầu mở.
  • Kiểm soát kết quả: Nhóm giải pháp này ngăn chặn tác động phản cạnh tranh thông qua các biện pháp kiểm soát trực tiếp hệ quả của vụ việc tập trung kinh tế như ấn định mức giá trần, buộc phải ký cam kết cung cấp các yếu tố đầu vào thiết yếu…

Có thể thấy, một số biện pháp về mặt hành vi nêu trên đã được quy định trong Luật Cạnh tranh liên quan tới việc điều chỉnh hành vi của các doanh nghiệp có sức mạnh thị trường. Do đó, nhiều quốc gia không đưa các biện pháp đó vào gói biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn đưa các biện pháp đó vào gói biện pháp khắc phục nhằm giúp cho việc thực thi trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt đối với các hệ thống pháp Luật Cạnh tranh đòi hỏi phải chứng minh vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp trên thị trường liên quan.

Những trường hợp có thể áp dụng biện pháp khắc phục về hành vi

Mặc dù giải pháp về cấu trúc được ưa dùng hơn, biện pháp khắc phục về hành vi có thể sẽ phù hợp với các trường hợp sau:

  • Việc bán lại tài sản không khả thi hoặc chứa đựng những rủi ro không thể chấp nhận được (ví dụ như không tìm được doanh nghiệp mua lại thích hợp) và không thể cấm thực hiện tập trung kinh tế (đối với vụ việc tập trung kinh tế đa quốc gia) hay
  • Các tác động phản cạnh tranh chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định do sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ hoặc các yếu tố khác hoặc
  • Lợi ích từ việc sáp nhập là đáng kể và việc áp dụng các giải pháp về mặt hành vi có hiệu quả hơn so với các giải pháp về mặt cơ cấu trong việc đảm bảo các lợi ích do vụ việc tập trung kinh tế mang lại.

Nhìn chung, các biện pháp khắc phục theo hành vi nhằm kiểm soát đầu ra của thị trường thường rất phức tạp trong việc thực thi và giám sát, hiệu quả không cao và có nguy cơ làm biến dạng thị trường nếu áp dụng trong một thời gian dài. Do đó, các giải pháp này chỉ được áp dụng khi không còn biện pháp nào khác và chỉ nên thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn.

Các giải pháp về hành vi đòi hỏi cơ quan cạnh tranh phải cân nhắc khoảng thời gian áp dụng hợp lý. Các giải pháp này sẽ được áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan cạnh tranh đề ra. Sau khoảng thời gian đó, các bên tham gia tập trung kinh tế không phải thực hiện các biện pháp giới hạn này nữa. Trong một số trường hợp, cơ quan cạnh tranh có thể quy định sẽ xem xét việc tiếp tục áp dụng, loại bỏ hoặc sửa đổi gói biện pháp khắc phục sau một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, tựu trung lại, các giải pháp về mặt hành vi không thể được áp dụng vô thời hạn bởi vì theo thời gian, khi điều kiện thị trường thay đổi, các biện pháp áp dụng sẽ trở nên không phù hợp và thậm chí còn gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

 

Thông tin khác