Trong xu thế chung về kiểm soát tập trung kinh tế trên thế giới, các nước đang phát triển[1] có thuận lợi là áp dụng được các kinh nghiệm của các nước đã phát triển, có lịch sử ban hành và thực thi luật cạnh tranh hàng chục năm, tuy nhiên cần lưu ý những vấn đề sau mang tính chất đặc trưng của nước đang phát triển[2] mà Việt Nam đặc biệt cần lưu ý trong quá trình thực thi pháp luật cạnh tranh.
Hầu hết những vấn đề được đề cập ở dưới đây không chỉ tồn tại trong lĩnh vực kiểm soát tập trung kinh tế mà cũng liên quan đến các vấn đề chung của luật và chính sách cạnh tranh.
Hầu hết các nước đang phát triển thiếu một nền tảng văn hóa cạnh tranh do một số các yếu tố sau. Nhiều nền kinh tế đang phát triển có một thời gian dài thực hiện theo cơ chế tập trung chỉ huy và kế hoạch hóa do nhà nước thống nhất kiểm soát. Kết quả là, khu vực tư nhân không được phép đóng vai trò đáng kể trên thị trường. Hơn nữa, tại các nền kinh tế đó, cạnh tranh không được coi là một động lực phát triển kinh tế. Ngược lại, cạnh tranh mang hàm nghĩa xấu với cách hiểu rằng cạnh tranh là các phương thức bất hợp pháp được thực hiện để đánh bại đối thủ cạnh tranh.
Trong xu thế toàn cầu hóa và tương thích hóa pháp luật, các nước đang phát triển đã chú trọng hơn trong việc việc xây dựng và phổ biến văn hóa cạnh tranh nội địa. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy vai trò của sự cạnh tranh giữa tất cả các chủ thể hoạt động trên thị trường, không phân biệt nguồn gốc sở hữu.
Cạnh tranh chỉ có thể là một tiến trình có ý nghĩa đối với một quốc gia nếu như một nền kinh tế thị trường được thiết lập. Ví dụ trường hợp của Trung Quốc. Khi cơ chế thị trường từng bước được áp dụng ở nhiều khu vực của nền kinh tế, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành nhằm xử lý các hành vi phản cạnh tranh và kiểm soát tập trung kinh tế[3]. Quá trình này đã dẫn tới việc áp dụng Luật Chống độc quyền (AML) năm 2007, là bộ luật chuyên biệt về cạnh tranh ở Trung Quốc áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi khu vực kinh tế. Các điều khoản của bộ luật này về cơ bản là giống với các luật cạnh tranh của các nước phát triển. Sau 3 năm kể từ khi luật này có hiệu lực, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM), cơ quan có trách nhiệm kiểm soát tập trung kinh tế, đã ban hành các văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể, cũng như đã đưa ra một số quyết định quan trọng trong việc thực thi pháp luật về tập trung kinh tế, bao gồm quyết định cho phép có điều kiện và cấm thực hiện đối với một số vụ việc.
Chính sách công nghiệp có vai trò rất quan trọng trong các tiến trình ra quyết định kinh tế và hình thành chính sách đối với các nước đang phát triển[4]. Hệ quả là, các vấn đề liên quan đến cạnh tranh có thể ít được ưu tiên hơn. Tại nhiều nền kinh tế, các vấn đề như việc làm, phát triển kinh tế và nhiều vấn đề về chính sách công nghiệp khác nhằm mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh quốc tế là những ưu tiên của chính phủ. Đây đều là những vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả ở các nước phát triển[5], nhưng đặc biệt ở các nước đang phát triển[6].
Nhiều quốc gia đã chú trọng đặc biệt vào chính sách công nghiệp trong nhiều năm. Hàn Quốc trong những năm 1980 là ví dụ khi các doanh nghiệp trong nước nhận được trợ cấp của nhà nước và được bảo hộ trước sự cạnh tranh của nước ngoài. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích quan trọng từ cách tiếp cận chính sách này[7].
Khi nhấn mạnh vào những quan ngại không phải cạnh tranh, các hoạt động tập trung kinh tế liên quan đến các doanh nghiệp trong nước có thể được chấp thuận mặc dù có thể có tác động tiêu cực tiềm ẩn mà các vụ tập trung kinh tế đó có thể xảy ra đối với cạnh tranh trong nước[8].
Kiểm soát tập trung kinh tế là một hoạt động sử dụng nhiều nguồn lực cả về khía cạnh nhân sự và tài chính. Nếu thiếu các năng lực cần thiết, cơ quan cạnh tranh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực thi pháp luật cạnh tranh, đặc biệt tại các nước có cơ chế thông báo bắt buộc. Hầu như tất cả các cơ quan cạnh tranh tại các nước đang phát triển đều phải đối mặt với thách thức lớn do thiếu nguồn lực con người và tài chính. Tuy nhiên, trong những năm qua, vấn đề này đang dần dần thay đổi. Ngày càng có nhiều sinh viên và chuyên gia trẻ ở các nước đang phát triển đang theo đuổi chuyên môn (gồm cả luật và kinh tế) trong lĩnh vực luật cạnh tranh. Nhiều cơ quan cạnh tranh ở các nước đang phát triển đang đầu tư đáng kể trong việc tuyển dụng, duy trì lực lượng nhân sự và giảm bớt các động lực cho các chuyên gia trẻ rời bỏ cho những cơ hội nghề nghiệp khác ở khu vực tư nhân hoặc giới học thuật[9]. Điều này được coi là tiến triển tích cực và xét trong dài hạn, năng lực thực thi của cơ quan cạnh tranh sẽ được nâng cao.
Với giới hạn về ngân sách hoạt động, các cơ quan cạnh tranh thường phải đặt sự ưu tiên trong công tác thực thi và họ phải cân nhắc trong việc phân bổ nguồn lực giữa tập trung kinh tế và các hoạt động khác cũng rất quan trọng như điều tra xử lý các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, phổ biến cạnh tranh và xử lý lạm dụng vị trí thống lĩnh.
Khi luật cạnh tranh của một nước đang phát triển không quy định khung pháp lý đầy đủ để kiểm soát tập trung kinh tế hoặc chỉ quy định các điều khoản cơ bản (chẳng hạn chỉ nói rằng sáp nhập nằm trong phạm vi của luật), cơ quan cạnh tranh phải đối mặt với thách thức trong việc kiểm soát tập trung kinh tế.
Một cơ chế kiểm soát tập trung kinh tế có hiệu quả đòi hỏi hệ thống pháp luật phải tương đối cụ thể và chi tiết, bao gồm: thiết lập các ngưỡng thông báo; cơ chế làm việc giữa cơ quan cạnh tranh và các bên sáp nhập hoặc bên thứ ba; và các quy định và nguyên tắc thể hiện rõ quyền lực của cơ quan cạnh tranh (trong việc đánh giá khả năng gây hạn chế cạnh tranh của vụ việc và đưa ra các quyết định cấm hoặc khắc phục) cũng như nghĩa vụ của tất cả các bên (cơ quan cạnh tranh, các bên sáp nhập và bên thứ ba).
Ở các nước đang phát triển, khu vực đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng cả về kinh tế và chính trị. Một số tổ chức quốc tế - điển hình là Ngân hàng thế giới (World Bank) – ủng hộ mạnh mẽ cho việc tạo thuận lợi cho FDI ở các nước đang phát triển như một phương cách để mở cửa với kinh tế thế giới và bảo đảm sự gắn kết với nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều có cách nhìn tích cực với FDI. Nhiều nước coi FDI như một động lực chủ chốt để tự nâng cao về kỹ thuật công nghệ và duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế. Một số nước lại có xu hướng kiểm soát chặt chẽ đối với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành và thị trường khác nhau của nền kinh tế trong nước.
Đối với một số nước đang phát triển, chính luật cạnh tranh lại có thể được sử dụng với mục đích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Một trong những hình thức để đầu tư vào một nước là thực hiện một thương vụ M&A: một công ty nước ngoài chưa có sự hiện diện tại một nước thâu tóm hoặc mua lại một công ty trong nước đang hoạt động hoặc một công ty nước ngoài khác đang hoạt động tại nước đó. Tuy nhiên, ngay cả các công ty nước ngoài đã có hiện diện cũng có thể tiến hành hoạt động M&A. Trong cả hai trường hợp, mặc dù vụ M&A có thể đặt ra các quan ngại về cạnh tranh, chính phủ nước đó vẫn có thể không tiến hành điều chỉnh vụ việc với lo ngại về khả năng các công ty nước ngoài phản ứng lại bằng cách không “đầu tư” hoặc rút lui khỏi thị trường nội địa.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng chính việc có một cơ chế kiểm soát tập trung kinh tế minh bạch, rõ ràng và khả năng thực thi hiệu quả luật cạnh tranh của cơ quan cạnh tranh không những không phải là rào cản đối với hoạt động FDI mà cần được nhìn nhận là bổ sung cho việc tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư FDI. Một môi trường kinh doanh theo pháp luật, khi nhà đầu tư nước ngoài biết rõ rằng luật pháp cho phép mình làm gì và không được làm gì chính là điều mà những công ty nước ngoài mong muốn làm ăn nghiêm túc mong muốn.
[1] Trong phần này, thuật ngữ các nước đang phát triển được hiểu là bao gồm các nước/nền kinh tế đang phát triển và các nước mới nổi (Developing and Emerging Economies). Các nhận định trong phần này được tổng hợp từ các tài liệu của OECD và ICN, bao gồm “Cross-border Merger Control: Challenges for Developing and Emerging Economies”, Series Roundtables on Competition Policy No 122 (2011), “Recommendation on Merger Review (OECD, 2005), “Best practices on Merger Control” (ICN, 2009)
[2] Xem thêm Dabbah, Maher, “Competition law and policy in developing countries: A critical assessment of the challenges to establishing an effective competition law regime” (2010) World Competition: Law and Economics Review 457.
[3] Chẳng hạn như Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh Trung Quốc (1993)
[4] Xem, chẳng hạn, Stephen Smith, Chính sách công nghiệp ở các nước đang phát triển (Economic Policy Institute, 1991)
[5] Chẳng hạn đối với Nhật Bản hoặc CHLB Đức. Tại Đức, một quyết định của Cục Chống độc quyền Liên bang (Bundeskartellamt) không chấp thuận một vụ việc sáp nhập do các quan ngại về cạnh tranh có thể bị đảo ngược bởi bộ trưởng một bộ liên quan bằng cách sử dụng cơ chế thẩm quyền pháp định, nếu như vụ sáp nhập được cho là có lợi cho tính cạnh tranh quốc tế đối với nền kinh tế Đức.
[6] Xem thêm các tài liệu của OECD về Chính sách cạnh tranh, chính sách công nghiệp và các doanh nghiệp hàng đầu của nền kinh tế (2009)
[7] Xem Dani Rodrik, “Làm sao để can thiệp đúng: Hàn Quốc và Đài Loan đã trở nên giàu có bằng cách nào” (1995), Economic Policy 20.
[8] Xem thêm về ở phần dưới về mối quan hệ giữa kiểm soát TTKT và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
[9] Xem chú thích 27 (Dabber Maher ở trên)
Liên kết website các đơn vị |
---|
Bộ Công Thương |
Bộ Tư Pháp |
Bộ Tài Chính |
Bộ Kế Hoạch và Đầu tư |
Bộ Xây Dựng |
Bộ Giao Thông Vận Tải |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn |