Pháp luật cạnh tranh chỉ tồn tại trong cơ chế thị trường và xuất hiện vào thời điểm mà hành vi cạnh tranh vượt quá biên giới của quyền tự do kinh doanh. Xét về tính chất và mục tiêu, pháp luật cạnh tranh là loại pháp luật nhằm ngăn cản, chống đối và trừng trị những hành vi cạnh tranh trái pháp luật, đạo đức và văn hóa kinh doanh.
So với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thì tính chất, mức độ nguy hại của các thỏa thuận, dàn xếp, liên kết nhằm hạn chế cạnh tranh (độc quyền hóa) gây ra hậu quả cho thị trường và xã hội lớn hơn gấp nhiều lần. Pháp luật kiểm soát độc quyền thường đề cập ba vấn đề:
(1) cấm các thỏa thuận nhằm hạn chế cạnh tranh (cácten);
(2) kiểm soát tập trung kinh tế; và
(3) kiểm soát sự lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường[i].
Bảng dưới đây minh hoạ mối quan hệ qua lại giữa chu kỳ của thị trường và các hành vi cạnh tranh cũng như chính sách cạnh tranh tương ứng.
Bảng 1: Mối quan hệ giữa chu kỳ thị trường - các hành vi cạnh tranh - chính sách cạnh tranh
Chu kỳ thị trường |
Hình thức thị trường và gia nhập |
Tiêu chí nhận diện cạnh tranh |
Mức lợi nhuận |
Chính sách cạnh tranh |
Giai đoạn thử nghiệm sản phẩm mới |
Độc quyền, khó gia nhập thị trường |
Quảng cáo, giới thiệu sản phẩm |
Lợi nhuận tăng |
Để thị trường phát triển tự do, bắt đầu giám sát tập trung kinh tế |
Giai đoạn tăng trưởng và đuổi theo của các đối thủ cạnh |
Đông người cạnh tranh, dễ gia nhập thị trường |
Giá, chất lượng, quảng cáo, dịch vụ |
Lợi nhuận tăng đến đỉnh điểm |
Để thị trường phát triển tự do, bắt đầu giám sát tập trung kinh tế |
Giai đoạn bão hoà sản phẩm |
Cạnh tranh bắt đầu tập trung, khó gia nhập thị trường |
Giá, chất lượng, dịch vụ, quảng cáo |
Lợi nhuận giảm |
Giám sát tập trung kinh tế, giám sát hành vi gây cản trở cạnh tranh |
Giai đoạn khủng hoảng, suy thoái |
Có dấu hiệu độc quyền, khó gia nhập thị trường |
Dịch vụ, quảng cáo, chất lượng |
Lợi nhuận giảm, thua lỗ |
Giám sát tập trung kinh tế, cản trở cạnh tranh, liên kết |
Kiểm soát tập trung kinh tế là một nội dung mới không chỉ ở Việt Nam. Hoa Kỳ là quốc gia mà chủ nghĩa tư bản đã có bước phát triển rất nhanh trong thế kỷ XIX cũng mới chỉ bắt đầu thực hiện việc kiểm soát những dòng thác cạnh tranh từ hơn 100 năm nay. Sự tích tụ tư bản dưới hình thức tờrớt đã làm cho một số ngành công nghiệp của Hoa Kỳ như thuốc lá, sắt, đường... rơi vào tay những tập đoàn tư bản lũng đoạn. Sự lạm dụng vị thế của những tập đoàn này trên thị trường vào cuối thế kỷ XIX đã làm cho Chính phủ Mỹ phải ban hành những đạo luật chống tờrớt (anti - trust: kiểm soát, khống chế độc quyền và phá bỏ cản trở cạnh tranh).
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tư tưởng chống tờrớt đã mau chóng phổ biến sang Anh, Pháp và các nước bại trận[ii]. Cho tới những năm 1970, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng “luật chống độc quyền... là nền tảng cho hoạt động kinh doanh tự do. Luật Chống độc quyền quan trọng đối với việc bảo vệ sự tự do kinh tế và hệ thống kinh doanh tự do cũng như Đạo luật về Nhân quyền có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ những quyền tự do căn bản của chúng ta”[iii]. Đạo luật Sherman của Hoa Kỳ năm 1890, và một số luật chống độc quyền sau này của Hoa Kỳ (như Đạo luật Robinson Patman 1936) được ban hành để bổ sung việc bảo vệ của pháp luật đối với “sự tự do hợp đồng” trước những thỏa thuận hạn chế “bất hợp lý” và âm mưu cưỡng ép bằng việc tăng cường các biện pháp bảo vệ về mặt pháp luật cho người tiêu dùng, “quyền được bán” của các nhà sản xuất nhỏ, và “mô hình Jefferson về các nhà kinh doanh và đối thủ cạnh tranh nhỏ, bất chấp một số những chi phí xã hội có thể có về khía cạnh giảm sút hiệu quả”[iv]. Kể từ những năm 1980, dưới ảnh hưởng của Trường phái kinh tế học Chicago, những xung đột giữa các mục tiêu pháp lý của chính sách chống độc quyền (ví dụ như bảo vệ sự tự do hợp đồng, tự do của người tiêu dùng và quyền được cạnh tranh của những thành viên nhỏ) và các mục tiêu kinh tế ngày càng được các toà án Hoa Kỳ giải quyết trên cơ sở tiêu chí về hiệu quả kinh tế chứ không phải dựa trên những lập luận về mặt pháp lý hoặc tính “bất hợp lý” của những hạn chế.
Chỉ trong một số trường hợp, như luật án lệ về chống độc quyền trong lĩnh vực độc quyền kinh doanh và tiêu thụ thì các toà án của Hoa Kỳ mới tiếp tục áp dụng cách tiếp cận “quyền công dân”, trong đó sự khiếu nại của các đại lý độc quyền kinh tiêu riêng lẻ về việc không có sự kiểm soát thích hợp hoạt động độc quyền kinh tiêu này vẫn có vị trí tối quan trọng[v]. Ngày nay, nhận thức chung về lĩnh vực chống độc quyền ở Hoa Kỳ cho rằng luật chống độc quyền ở Hoa Kỳ cần phải được hiểu là để bảo vệ sự cạnh tranh và lợi ích người tiêu dùng chứ không phải là bảo vệ các đối thủ cạnh tranh (như sự cạnh tranh giữa các nhà phân phối, hay quyền được cạnh tranh của những thành phần nhỏ hơn tham gia trên thị trường)[vi]. Tuy nhiên, sự tập trung vào lợi ích của người tiêu dùng cũng xuất phát từ một thực tế là các giá trị phi hiệu quả (như sự tự do kinh tế và không biệt đối xử trong cạnh tranh) vốn được bảo vệ rất tốt theo hiến pháp và pháp luật về kinh tế của Hoa Kỳ, và một thực tế khác nữa là sự chú trọng của chính sách cạnh tranh vào việc bảo vệ các nhà sản xuất có thể kéo theo sự đối xử phân biệt và những thiệt hại không cần thiết cho lợi ích của người tiêu dùng. Nhìn chung, mục tiêu lịch sử của luật chống độc quyền Hoa Kỳ là để bảo vệ sự tự do kinh tế (ví dụ, của các nhà sản xuất độc lập, các thương nhân không có quyền lực thị trường), sự lựa chọn của người tiêu dùng, và sự cạnh tranh hiệu quả trên thị trường mở có nhiều đối thủ cạnh tranh bằng cách hạn chế và phân chia quyền lực.
Vấn đề kiểm soát tập trung kinh tế chỉ được quan tâm ở châu Âu trong khoảng vài chục năm trở lại đây. Tại châu Âu, hầu hết các nước đều đưa ra luật cạnh tranh sau chiến tranh thế giới thứ hai không chỉ nhằm đẩy mạnh hiệu quả kinh tế mà còn nhằm thúc đẩy sự tự do kinh tế, sự tách biệt và phân chia quyền lực tư nhân và quyền lực chính trị, và giảm bớt những quy định mang tính bảo hộ trong nền kinh tế của những nước này[vii]. Một bước đi gần đây của châu Âu, ví dụ trong việc xem xét các hạn chế tập trung kinh tế theo chiều dọc, hướng tới sự phân tích sâu hơn về kinh tế dường như được thúc đẩy bởi một thực tế (giống như ở Hoa Kỳ) là các mục tiêu không liên quan tới vấn đề hiệu quả được bảo vệ một cách đầy đủ trong Cộng đồng châu Âu (EC), do vậy việc bảo vệ lợi ích của nhà sản xuất trong điều kiện phải gây thiệt hại cho lợi ích của người tiêu dùng không được chấp nhận. Đức bổ sung Luật cácten năm 1973, Liên minh châu Âu ban hành Quy chế kiểm soát tập trung kinh tế lần đầu tiên năm 1989, Italia ban hành quy chế kiểm soát tập trung kinh tế năm 1990, Phần Lan ban hành quy chế kiểm soát tập trung kinh tế năm 1992. Cho đến đầu những năm 2000, nhiều nước châu Âu còn chưa ban hành quy chế kiểm soát tập trung kinh tế[viii].
Nhật Bản và các nước công nghiệp mới ở châu Á ban đầu khuyến khích tập trung kinh tế với các liên kết kinh doanh (keiretzu[ix], chaebol[x]) tạo ra các doanh nghiệp có sức mạnh như những đại tập đoàn rồi mới du nhập tư duy khống chế cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế một cách dè dặt. Trung Quốc cũng bắt đầu quan tâm đến luật cạnh tranh khoảng 20 năm nay và Luật Chống độc quyền của nước này được ban hành năm 2008.
Kể từ thập niên 2000, phần lớn các nước trên thế giới đã ban hành luật cạnh tranh quốc gia nhằm xác lập và giữ gìn môi trường cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, tại những nước đang phát triển đã ban hành luật cạnh tranh, luật và chính sách cạnh tranh dường như không chỉ tập trung vào hiệu quả kinh tế[xi]. Chừng nào các điều kiện tiên quyết cho một nền kinh tế thị trường hiệu quả chưa được thiết lập đầy đủ ở các nước đang phát triển, hoặc những nước trong thời kỳ chuyển đổi thì chính sách cạnh tranh có thể được nhìn nhận trên một góc độ rộng hơn có tính đến cả những mục tiêu của chính sách điều tiết (ví dụ như: cơ cấu lại, giảm bớt các quy định và tư nhân hoá các ngành công nghiệp) và những vấn đề điều chỉnh xã hội của những chính sách như vậy. Tuy nhiên, các giá trị không liên quan tới vấn đề hiệu quả có thể vẫn quan trọng đối với các nước đang phát triển - những nước ban hành luật cạnh tranh mới như là một phương tiện để mở cửa và giảm bớt quy định trên các thị trường trong nước.
[i] Nguyễn Như Phát, Dự thảo Luật Cạnh tranh, Diễn đàn xây dựng môi trường pháp lý kinh doanh, VCCI, 2005.
[ii] William Kovacic, Antitrust Policy: A Century of Economic and Legal Thinking, Competition Policy Centre, University of California, Berkeley, WP CPC 99 009.
[iii] Vụ kiện Hoa Kỳ và Topco, 405 Hoa Kỳ 595, 610 (1972).
[iv] J.H.Shenfield và I.M.Stelzer, Luật Chống độc quyền, xuất bản lần thứ ba, 1998, tr. 11. G.Amato, Chống độc quyền và Biên giới quyền lực, 1997, Chương 1 và 7.
[v] Xem xét hoạt động chống độc quyền của Hoa Kỳ - Special Report on Global Competition, 1998: 24.
[vi] Về các đề xuất xem xét các tiêu chí khác (như phát minh, chất lượng sản phẩm, tính đa dạng của sự lựa chọn của người tiêu dùng) để xác định phúc lợi xã hội. Xem ví dụ E. Fox, “Sự hiện đại hóa của chống độc quyền: sự cân bằng mới” (Trong cuốn: Báo cáo Luật Cornell, 66 1980; 1140 - 1173). Về các chức năng hiến định của các quy tắc cạnh tranh, xem: E.U. Petersmann, “Các mục tiêu luật pháp, kinh tế và chính trị của Chính sách cạnh tranh quốc tế” (Trong cuốn: Báo cáo Luật pháp Anh quốc mới, 1999).
[vii] Xem: D. Gerber, Luật và Cạnh tranh tại châu Âu thế kỷ XX: Bảo vệ thần thoại Prômêtê, 1998; G. Amato, dã dẫn, chương 3, chú thích 9.
[viii] Meirad Dreher, Group of Undertaking and Competition - Regulatory Approaches in Europe, trong Klaus j Hopt, Christa Jessel Holst và Katharina Pistor, Unternehmensgruppen in mittel - und osteuropaeischen Laendern: Entstehung, Verhalten und Steuerung aus rechtlicher und oekonomicher Sicht, Mohr Siebeck, Tuebingen, 2001.
[ix] Keiretsu là một nhóm các công ty có quan hệ kinh doanh và cổ phần đan xen nhau. Đó là một dạng tập đoàn kinh doanh tại Nhật Bản. Ví dụ: Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo, Fuyo, Dai-ichi Kangyo...
[x] Chaebol là một dạng tập đoàn theo mô hình Hàn Quốc, thường là các tập đoàn gia đình lớn, được sự hỗ trợ tài chính của chính phủ, chẳng hạn: Samsung, Hyundai, LG, SK...
[xi] G. Castaneda, Báo cáo hàng năm về Luật Cạnh tranh châu Âu 1997: “Các mục tiêu của chính sách cạnh tranh”, C.D. Ehlermann cad L.L. Laudati xuất bản, 1998, tr. 41 - 52.
Liên kết website các đơn vị |
---|
Bộ Công Thương |
Bộ Tư Pháp |
Bộ Tài Chính |
Bộ Kế Hoạch và Đầu tư |
Bộ Xây Dựng |
Bộ Giao Thông Vận Tải |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn |