Văn Phòng Hội đồng Cạnh tranh trích đăng một số phần trong Báo cáo tổng hợp Đề tài Kiểm soát Tập trung kinh tế trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy việc nghiên cứu, trao đổi sâu sắc và toàn diện hơn về những vấn đề liên quan:
Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán cũng như gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương thế hệ mới sẽ mở ra cơ hội giao thương kinh tế bình đẳng của doanh nghiệp Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới. Với việc mở rộng cánh cửa thu hút đầu tư nước ngoài, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và các dịch vụ mới được cung cấp trên nền tảng công nghệ,.. làn sóng đầu tư thông qua hoạt động tập trung kinh tế (M&A) đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Năm 2017, tổng giá trị các thương vụ M&A đạt khoảng 6,5 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục 5,8 tỷ USD của năm 2016.
Thực trạng này cho thấy hoạt động mua bán sáp nhập vẫn được các doanh nghiệp trong và ngoài nước coi là cách thức đầu tư hiệu quả nhất trong việc tiết kiệm nguồn lực, thâm nhập thị trường, giảm thiểu các rào cản gia nhập thị trường cũng như nhằm gia tăng nguồn lực và sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam đã và đang diễn biến khá phức tạp. Thị trường đã chứng kiến làn sóng mua bán sáp nhập các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, nhiều thương vụ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, những thương vụ doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và những vụ thâu tóm giá trị cao... Điều đó cho thấy tập trung kinh tế tại Việt Nam có nguy cơ tiềm ẩn những yếu tố hình thành các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh và có thể gây ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh. Vì vậy, các hoạt động tập trung kinh tế cần được các cơ quan quản lý nhà nước giám sát, kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn các hành vi có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh (2018) đang đặt ra cách tiếp cận mới đối với việc kiểm soát tập trung kinh tế. Kiểm soát như thế nào để bảo đảm tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, không tạo bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng như bảo đảm một hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh tại thị trường Việt Nam, bảo đảm sự công bằng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong những vấn đề cần được nghiên cứu một cách thấu đáo. Luật Cạnh tranh (2018) cũng đưa ra việc kiểm soát tập trung kinh tế dựa trên đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh và tác động tích cực của tập trung kinh tế trên thị trường, kèm theo việc cho phép thực hiện tập trung kinh tế có điều kiện. Các công cụ để đánh giá vụ việc chủ yếu dựa trên đánh giá mang tính kinh tế.
Từ các lý do trên, trong hai năm 2018-2019, Văn Phòng Hội đồng Cạnh tranh đã nghiên cứu một cách tổng thể và toàn diện về các quy định kiểm soát tập trung kinh tế, những khó khăn, bất cập trong thực tiễn thực thi, kinh nghiệm quốc tế về việc kiểm soát tập trung kinh tế,… để từ đó đưa ra cách thức kiểm soát tập trung kinh tế hiệu quả nhất, có sự tham gia và giám sát của các cơ quan có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp.
Văn Phòng Hội đồng Cạnh tranh trích đăng một số phần trong Báo cáo tổng hợp Đề tài Kiểm soát Tập trung kinh tế trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy việc nghiên cứu, trao đổi sâu sắc và toàn diện hơn về những vấn đề liên quan (sau đây gọi là Báo cáo). Báo cáo này đã được in thành sách với tiêu đề "Kiểm soát Tập trung kinh tế tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế" năm 2019 tại NXB Công Thương (mã số ISBN: 978-604-931-827-6).