Ngày 30 tháng 10 năm 2018 tại Cần Thơ, Hội đồng Cạnh tranh đã phối hợp với Sở Công Thương Thành phố Cần Thơ tổ chức Tọa đàm “Một số quy định mới của Luật Cạnh tranh 2018 trong lĩnh vực hạn chế cạnh tranh”.
Ông Trần Mai Hiến – Thành viên Hội đồng Cạnh tranh kiêm Vụ Trưởng, Chánh Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh và Ông Phạm Việt Bắc – Phó Giám đốc Sở Công Thương đồng chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có khoảng 50 đại diện đến từ các Sở, Ban, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, văn phòng luật và các trường đại học và cao đẳng.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Trần Mai Hiến đã nhấn mạnh mục đích của Tọa đàm là để góp phần nâng cao nhận thức, hiết biết và cập nhật những nội dung mới của Luật Cạnh tranh 2018 cho cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại Cần Thơ, đồng thời để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và phổ biến pháp luật cạnh tranh của Hội đồng Cạnh tranh. Ông Phạm Việt Bắc nhấn mạnh rằng Luật Cạnh tranh tạo cho mọi doanh nghiệp đều có cơ hội được hưởng một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng, không phân biệt đối xử vì hành vi can thiệp vào quá trình cạnh tranh của các cơ quan nhà nước cũng sẽ được giám sát chặt chẽ.
Sau đó, ông Trần Mai Hiến đã nêu ra chín điểm mới của Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 bao gồm: (1) mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; (2) một số chính sách của Nhà nước về cạnh tranh; (3) sửa đổi, bổ sung và làm rõ những hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước; (4) hoàn thiện quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và bổ sung quy định về chính sách khoan hồng; (5) bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường; (6) thay đổi về cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế; (7) hoàn thiện quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh; (8) tổ chức lại cơ quan cạnh tranh; và (9) hoàn thiện các quy định về trình tự thủ tục trong tố tụng cạnh tranh.
Về phần lý luận và thực tiễn, Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ Trưởng, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh - đã phân tích sâu về các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và chính sách khoan hồng theo các tiêu chí cần khắc phục và bổ sung trong Luật Cạnh tranh mới. Ông Tuấn lưu ý rằng việc xử lý hình sự tội xâm phạm cạnh tranh cũng đã được đưa vào Điều 217 Bộ Luật Hình sự hiện hành. Ngoài ra, chính sách khoan hồng là công cụ hữu hiệu để phát hiện ra các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Trong tọa đàm, với sự giúp đỡ, tư vấn và giải đáp của các diễn giả, các đại biểu từ các doanh nghiệp, các luật sư và giảng viên đã trao đổi, trình bày những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn quá trình hoạt động kinh doanh, tư vấn và nghiên cứu. Nhờ đó, Tọa đàm là một cơ hội cho các đại biểu truyền tải thông tin đến các cơ quan xây dựng văn bản cấp trên để góp phần hoàn thiện các nghị định hướng dẫn nhằm giúp cho Luật Cạnh tranh thật sự đi vào cuộc sống./.
Liên kết website các đơn vị |
---|
Bộ Công Thương |
Bộ Tư Pháp |
Bộ Tài Chính |
Bộ Kế Hoạch và Đầu tư |
Bộ Xây Dựng |
Bộ Giao Thông Vận Tải |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn |