(Ảnh Phiên điều trần một vụ việc hạn chế cạnh tranh)
Kinh tế Việt Nam năm 2022 đã phát triển nhanh và toàn diện, GDP tiệm cận con số 400 tỷ USD, gấp đôi năm 2012 (196 tỷ), cao hơn năm trước 30 tỷ USD (chênh cao nhất mọi thời kỳ), tốc độ tăng trưởng hơn 8% tính trên mẫu số mới là quy mô GDP năm trước đã được tính lại tăng thêm 25% (cao hơn tăng trưởng bình quân toàn cầu 5 điểm %). Tương tự như vậy đối với các chỉ số tăng trưởng khác trong sản xuất, lưu thông, đầu tư, tiêu dùng… đều tính trên mẫu số mới cao hơn mẫu số cũ khoảng 25%, nghĩa là tốc độ tăng thực tế sẽ cao hơn số công bố. Điều này được minh chứng bằng số thu ngân sách tăng cao cả về tốc độ và quy mô so với cả dự toán 2022 cũng như cùng kỳ 2021, trong bối cảnh miễn, giảm, giãn, hoãn nhiều nhất. Phải có sự phát triển hiệu quả cả về lượng và chất từ nội lực như trên thì mới có kết quả thu chi ngân sách, cán cân thương mại, dự trữ quốc gia, thu nhập đầu người… cao toàn diện như vậy.
Thành tựu to lớn này có sự đóng góp quan trọng của toàn ngành Công Thương trên tất cả các lĩnh vực từ sản xuất kinh doanh đến phân phối lưu thông, cạnh tranh hiệu quả, kiểm soát thị trường, tăng trưởng xuất khẩu, phòng vệ thương mại, chọn lọc đầu tư,...
Trong bối cảnh trên, công tác kiểm soát cạnh tranh ngày càng khẳng định được vai trò trong việc vận hành một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa minh bạch, hiệu quả. Là đơn vị được Bộ giao tham gia xây dựng pháp luật cạnh tranh và giúp Hội đồng Cạnh tranh xử lý các vụ việc cạnh tranh, Văn phòng HĐCTđã đạt được một số kết quả như sau:
I. MỘT SỐ KẾT QUẢ VỀ CẠNH TRANH NĂM 2022
1. Xây dựng thể chế về cạnh tranh và tạo lập môi trường cạnh tranh
Ngay từ tháng 1 năm 2022, Ban cán sự Đảng và Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trình Bộ Chính trị và lần đầu tiên được Bộ Chính trị kết luận chấp thuận về tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh thành Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Đã trình Chính phủ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về 2 Nghị định quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong đó có Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Đến nay đã được ban hành Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, bao gồm Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Đã xây dựng và góp ý, kiến nghị, tham gia nhiều văn bản quy định về tạo lập, thúc đẩy cạnh tranh đối với nhiều lĩnh vực, Bộ, ngành như: năng lượng, nguyên liệu, giá cả, thuế, phí, vốn,...
2. Đẩy mạnh cạnh tranh để ứng phó trước những ảnh hưởng tiêu cực của cạnh tranh nước lớn và biến động dị thường toàn cầu
Hậu quả của đại dịch và xung đột quân sự ảnh hưởng nặng nề. Bộ đã kịp thời đẩy mạnh cạnh tranh để phát triển sản xuất hàng hóa, khơi thông dòng chảy thương mại, mở rộng xuất nhập khẩu và định hướng tiêu dùng, đóng góp lớn nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022.
Đã tạo lập môi trường cạnh tranh để tăng sản lượng hàng hóa trong nước, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng, lương thực, hàng thiết yếu và bảo vệ tiêu dùng, kiểm soát lạm phát.
Đã mở rộng thị phần, tăng sản lượng, giảm giá thành tiêu thụ sản phẩm, đóng góp lớn nhất vào thu ngân sách, tăng xuất siêu và dự trữ ngoại tệ, cạnh tranh hiệu quả với hàng ngoại nhập.
3. Đã áp dụng pháp luật cạnh tranh để kiểm soát thị trường
Chuyển nhanh từ quản lý trên thị trường sang kiểm soát cạnh tranh từ đầu nguồn sản xuất và nhập khẩu đến phân phối lưu thông tới tận tiêu dùng cuối cùng.
Kiểm soát giá thành sản phẩm hàng hóa để điều tiết lợi nhuận, kiềm chế lạm phát và xử lý vi phạm cạnh tranh về giá cả, đầu cơ, trục lợi.
Áp dụng quy định của pháp luật cạnh tranh đối với lĩnh vực độc quyền nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền. Tiêu biểu là không tiến hành tập trung kinh tế đối với truyền tải điện và không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong việc thu phí cảng biển.
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NĂM 2023
1. Hoàn thiện thể chế pháp luật về cạnh tranh
Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Đề nghị Bộ Tài chính xây dựng Thông tư quy định về chế độ đãi ngộ đối với những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng cạnh tranh
Đề nghị Bộ Công Thương ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
2. Áp dụng mạnh mẽ chính sách và pháp luật cạnh tranh
Cần đảm bảo cạnh tranh trong mua bán điện. Lựa chọn mua hết lượng điện giá thấp nhất trước rồi đến loại điện giá cao hơn. Nhà nước chỉ quyết định về giá cả, số lượng, phạm vi thị trường đối với truyền tải điện. Doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về cấm lạm dụng vị thế thống lĩnh, độc quyền và sức mạnh thị trường của mình.
Các nhà máy lọc dầu trong nước và đầu mối nhập khẩu cần được tự định giá xăng dầu phù hợp với giá thành sản phẩm và giá trần bán lẻ. Cấm việc lạm dụng vị thế thống lĩnh để tăng giảm giá bất hợp lý.
Các doanh nghiệp vật tư, nguyên liệu, lương thực, chăn nuôi,... có vị trí thống lĩnh ở từng địa phương, khu vực cần phải căn cứ vào giá thành sản phẩm của mình để định giá phù hợp, cấm tăng giảm giá bất hợp lý và cắt giảm sản lượng sản xuất, phân phối cho khách hàng.
3. Xử lý kịp thời các vi phạm cạnh tranh
Các doanh nghiệp chăn nuôi có vị thế thống lĩnh tại từng địa phương và có giá thành lợn hơi là 50.000 đồng/kg nhưng lại tăng giá bán lên 70.000 đồng/kg hoặc giảm giá bán xuống 35.000 đồng/kg như vừa qua là vi phạm pháp luật cạnh tranh về lạm dụng vị thế thống lĩnh để tăng giảm giá bất hợp lý.
Các cảng biển thu phí gấp đôi đối với doanh nghiệp mở tờ khai ngoài địa phương mình là phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.
Các nhà máy sản xuất và đầu mối nhập khẩu có thị phần từ 30% trở lên ở từng địa phương mà cắt giảm sản lượng sản xuất và phân phối hoặc ấn định giá bất hợp lý so với giá thành thực tế là vi phạm lạm dụng vị thế để hạn chế cạnh tranh.
Các cửa hàng cùng nhau tạm ngừng bán hàng hoặc hạn chế bán ra là cùng hành động để hạn chế cạnh tranh, tạo khan hiếm giả tạo, vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Những hành vi trên đây có thể chỉ là do khó khăn nên vô tình vi phạm nhưng cũng cần được xem xét, phân tích, xử lý kịp thời để cảnh báo, răn đe, giáo dục, tuyên truyền pháp luật cạnh tranh đối với doanh nghiệp vi phạm và thức tỉnh cộng đồng người tiêu dùng.
THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG CẠNH TRANH
VỤ TRƯỞNG - CHÁNH VĂN PHÒNG
Trần Mai Hiến